Đàn ông Nhật như thế nào?

Xin chào mọi người!

Ở các bai viết trước J có giới thiệu qua là J đã kết hôn với người Nhật năm 2016, tính đến này cũng gần tròn 4 năm. J nghĩ có nhiều người cũng muốn biết đàn ông Nhật và đặc biệt là cuộc sống hôn nhân với người Nhật như thế nào, nên hôm nay J sẽ chia sẻ về cuộc sống của mình cho mọi người nhé.

Nhưng thông tin trong bài viết này tất cả điều là nhìn nhận chủ quan của J. Những đánh giá và so sánh giữa đàn ông Việt và đàn ông Nhật trong bài viết này chỉ là nhìn nhận của J đối với những người xung quanh mình thôi. Các bạn nên tham khảo và chọn lọc thông tin để áp dụng cho trường hợp của mình nha!

Trước hết là về tình hình kết hôn với người nước ngoài của người Việt Nam

Theo một số nguồn tin mà J tìm hiểu được, hằng năm có khoảng 18.000 công dân Việt Nam đăng ký kêt hôn với người nước ngoài. Trong đó, kết hôn với người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Mĩ chiếm phần lớn, kết hôn với người Nhật chỉ là một con số cực kỳ nhỏ. Theo số liệu phía Nhật Bản cung cấp thì chỉ có 50 cặp đôi Việt-Nhật đăng ký và được chấp nhận hôn thú tại Nhật vào thời điểm năm 2016 (trong đó có tính cặp của J và chồng ;))

Một số liệu của sở Tư pháp Nhật Bản cho thấy, đến cuối năm 2019 số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã đạt đến hơn 2.820.000 người, trong đó dân số Việt Nam hơn 370.000 người chiếm hơn 13% tổng số người nước ngoài tại Nhật. Vì các năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đã mở cửa tạo điều kiện cho lao động nước ngoài nhập cảnh nhằm giải quyết vấn đề dân số già hóa tại đất nước này, nên dân số Việt Nam tại Nhật Bản trong những năm gần đây tăng lên rất cao. Mỗi năm tăng khoảng tầm từ 20%-30% so với các năm trước.

Trong tình hình này, J nghĩ rằng các cặp đôi Việt – Nhật sẽ có nhiều hơn các cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu nhau,và số lượng những cặp đôi đang băn khoăn suy nghĩ về việc tiến tới hôn nhân cũng đang ngày càng nhiều nhỉ. Cho những bạn đang còn băn khoăn thì J xin chia sẻ nhưng gì mình cảm nhận và hiểu về đàn ông Nhật trong quá trình sinh sống cũng như hôn nhân để các bạn tham khảo nhé!

Đàn ông Nhật không biết thể hiện tình cảm

Đúng như lời đồn về đàn ông Nhật, đàn ông Nhật thật sự không biết cách thể hiện tình cảm đối với người mình yêu hay đối với vợ và gia đình. Với J thì cũng khá sốc trong khoảng thời gian đầu tiên tìm hiểu nhau và yêu nhau. Nhắn tin thì chậm trả lời, tin nhắn thì cụt ngũn, yêu nhau mấy tháng rồi cũng chả nhắn được một dòng là “Anh yêu em”, “I love you” hay những dòng tin đại loại như thế.

Thời gian đầu J cũng cố gắng giải thích nhiều về việc này cho anh hiểu, thì anh cũng chịu khó cải thiện ngay. Nhưng chuyện đến đây chưa hết, J cũng khá ngạc nhiên vì anh có cố gắng cải thiện đến đâu cũng chả bao giờ nhắn cho J những câu đại khái như là “I love you” đâu (J và chồng lúc ban đầu giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, sau này J hiểu được khá khá tiếng Nhật rồi mới chuyển sang giao tiếp bằng tiếng Nhật nha), mà chỉ toàn “I like you” không thôi à. J cũng tò mò nên hỏi anh thì mới biết được, cái này là cho sự khác nhau trong cách diễn đạt của ngôn ngữ. Người Nhật thường chỉ dùng động từ “thích”(好き- đọc là suki)để biểu đạt tình cảm, chữ Suki (好き)ở đây tùy vào ngữ cảnh có thể hiểu là “yêu” hoặc “thích”. Trong tiếng Nhật cũng có động từ “Yêu”(愛する- đọc là Aisuru)nhưng người Nhật rất ít dùng và thường chỉ dùng để biểu đạt sự quý trọng đối với những thành viên trong gia đình như ông bà, cha mẹ, con cái. Cũng có trường hợp được sử dụng giữa vợ chồng, nhưng động từ Aisuru (愛する)mang ý nghĩa khá mạnh trọng suy nghĩ của người Nhật nên người ta thường chỉ dùng trong văn viết như trường hợp viết thiệp cho những dịp đặc biệt hay những trường hợp muốn bày tỏ sự kính trọng, nể phục và yêu thương đối với đối phương mà thôi.

Nên đấy, các bạn nhớ nhé, nếu như có người nào đó bày tỏ tình cảm bằng động từ Suki (好き)với bạn, thì đừng nghi ngờ gì nhiều nhé! Người ta cũng có thể yêu bạn nhiều lắm rồi đấy!

Đàn ông Nhật cực kỳ sòng phẳng???

Vấn đề này J thấy cũng khá nổi tiếng đối với đàn ông Nhật, và cũng có nhiều bạn hỏi J về vấn đề này nè. J xin trả lời là vâng, đàn ông Nhật cực kỳ sòng phẳng. Chồng J tiếp xúc với văn hóa nước ngoài nhiều nên cũng khá thoáng trong vấn đề này nhưng hầu hết các trường hợp xung quanh J, từ người thân cho đến bạn bè, đồng nghiệp thì mỗi lần đi date đều phải chia đôi để thanh toán hết nha. Một số trường hợp còn chia tiền sòng phẳng đến từng đơn vị nữa kia…

Trong trường hợp của J thì J thấy chồng mình sòng phẳng ở chỗ chọn mua quà mỗi dịp kỷ niệm hay sinh nhật. Anh thường chọn những món quà tương đương với giá trị của món quà mà J đã tặng anh những dịp trước. J cũng có hỏi anh vì sao lại làm thế thì anh bảo ở Nhật có văn hóa gọi là Okaeshi(お返し)hay còn gọi là trả lại. Người Nhật thường cố tình tìm hiểu và ghi nhớ món quà mà mình đã được nhận, sau đó đến những dịp khác có cơ hội trả lại, họ sẽ tìm mua những món đồ có giá trị tương đương hoặc đắt hơn một xíu để tặng lại. Vấn đề là nếu ai được nhận một món đồ nào đó quá đắt so với khả năng kinh tế của mình, thì ngược lại người đó sẽ cảm thấy rất khó xử khi nghĩ đến lúc phải tặng quà ngược lại cho người ta. Vì thế nên nếu các bạn đang có ý định tặng qua cho người Nhật thì cũng nên để ý đến điều này nha!

Đàn ông Nhật không biết lãng mạn

Cái này thì J không biết các cặp đôi khác ra sao chứ chồng J thì đúng là chả biết lãng mạn là gì luôn í. Chồng J là kiểu không biết surprise là gì, tặng quà thì cũng chỉ biết tặng 1 năm 2 lần là sinh nhật và kỷ niệm ngày cưới chứ không hơn không kém. Nhiều lúc thấy mấy bạn nữ ở Việt Nam được nhận quà Valentine, quà 8-3, quà 20-10, bla bla mà J thèm lắm luôn…

Một điểm nữa là ở Việt Nam cũng như các nước khác, đàn ông thường có hành động gọi là Lady First như mở cửa cho bạn gái vào trước, kéo ghế cho bạn gái ngồi, vv. Còn ở Nhật thì lại khác, xã hội ở đây khá bình đẳng, thậm chí vị trí của phụ nữ còn khá thấp so với đàn ông, nên rất hiếm để bắt gặp hình ảnh đàn ông Nhật Bản có hành động cử chỉ nhường nhịn phụ nữ nơi đông người hay nơi công cộng.

Vậy đàn ông Nhật trong chuyện yêu đương và hôn nhân với người nước ngoài thì sao?

Những nội dung nêu trên là những điều J cảm nhận được, cũng như là những gì J cảm thấy ngạc nhiên về sự khác nhau trong tính cách và văn hóa của đàn ông Nhật Bản. Nhưng không phải người ta không có gì tốt hết đâu nha. J thấy đàn ông Nhật rất thành thật, hiền lành, mặc dù có xíu gia trưởng nhưng rất chịu lắng nghe và thấu hiểu đối phương lắm nha. Mặc dù, sống trong xã hội Nhật, thấm nhuần tư tưởng văn hóa Nhật nhưng những người mà J biết, kể cả chồng J cũng rất chịu khó thay đổi, hòa nhập với văn hóa của đối phương lắm đấy.

Sau nhiều năm tìm hiểu và kết hôn, J và chồng nhận ra được một điều khá đúng mà các bạn phải luôn nhớ để áp dùng và gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp các cặp đôi khác quốc tịch đó chính là “Lắng nghe và thấu hiểu (Understand each other) → Thay đổi bản thân sao cho phù hợp (Change)”. Vốn dĩ đã khác quốc tịch rồi thì tất nhiên văn hóa và môi trường tiếp xúc của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu bảo một con người thay đổi hoàn toàn thì sẽ là vô lí, cho nên giữa các cặp đôi khác quốc tịch nên có những thời gian riêng để chia sẻ cảm nhận cũng nhưng sự khác nhau của mỗi người để cả hai hiểu nhau hơn, tránh những hiểu nhầm không đáng có, và sắp xếp thay đổi bản thân sao cho phù hợp với đối phương nha!

Related Contents
Jenny

Jenny

Đến từ Huế. Theo học tại trường đại học quốc lập tại Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, làm việc tại Nhật trong ngành hàng không và du lịch. Về nước từ năm 2020 và thành lập công ty TNHH Tư vấn toàn cầu HD, chuyên xúc tiến và hỗ trợ giao lưu kinh tế thương mại giữa hai nước Việt-Nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.