Xin việc ở Nhật có khó không?!

Xin chào mọi người!

It’s me Jenny!

Hôm nay để chia sẻ kinh nghiệm của J ở Nhật, J sẽ chia sẻ kinh nghiệm xin việc cũng như giới thiệu về “Hệ thống tuyển dụng” tại Nhật như thế nào cho mọi người nhé.

Chưa tốt nghiệp đã xin được việc??? 

Ở Nhật khác với Việt Nam, ngoài các đợt tuyển dụng nhỏ lẻ trong năm thì các doanh nghiệp ở đây thường đồng loạt tổ chức tuyển dụng vào cùng một thời điểm trong năm. Kể từ năm 2016, sau khi luật tuyển dụng được thay đổi, các doanh nghiệp chỉ được bắt đầu đợt tuyển dụng từ đầu tháng 3 hằng năm. Ngoài ra, nội dung luật tuyển dụng cũng có quy định rõ ràng, các doanh nghiệp chỉ đươc tổ chức các buổi giới thiệu doanh nghiệp (企業説明会)sớm nhất là từ tháng, tổ chức thi kiểm tra kỹ năng & kiến thức và phỏng vấn đến cuối tháng 6. Sau đó, từ đầu tháng 7 trở đi, các doanh nghiệp mới có thể chính thức thông báo kết quả đến các thí sinh(tiếng Nhật gọi là 内々定) và chỉ có thể cấp giấy chứng nhận(tiếng Nhật gọi là内定) cho thí sinh từ tháng 10.

Các đợt tuyển dụng này thường là để tuyển dụng nhân viên mới, có thể bắt đầu làm việc từ tháng 4 năm sau nên các đối tượng ứng tuyển thường là sinh viên các trường đại học, trường cao đẳng,…vẫn đang dự giảng và dự định sẽ tốt nghiệp vào cuối tháng 3 năm sau. Vì thế nên là khác với Việt Nam, ở Nhật không cần bằng tốt nghiệp cũng có thể xin được việc làm nhé!

Làm thế nào để ứng tuyển???

Như J đã đề cập ở phần đầu, tuyển dụng ở Nhật Bản thường thông qua “Hệ thống tuyển dụng”. “Hệ thống tuyển dụng” chỉ là một thuật ngữ mà J tự đặt ra thôi, vì ở cái gì cũng tổ chức đồng loạt, có quy định về thời gian và cách thức tổ chức rõ ràng nên cứ như là một hệ thống quy củ vậy.

Dĩ nhiên, nếu bạn đã biết và có ý định ứng tuyển vào một công ty cụ thể nào, bạn có thể đăng ký ngay tại website của công ty, nhưng đối với các bạn chưa xác định được công việc hay công ty nào cụ thể để ứng tuyển vào thì có thể đăng ký tại các hệ thống tuyển dụng nổi tiếng của Nhật như Rikunavi hay Mynavi,vv. Chỉ cần đăng ký thông tin vào các hệ thống tuyển dụng trên, hệ thống sẽ tự động sàng lọc và cho ra thông tin các công ty phù hợp với nguyện vọng và điều kiện đã đăng ký. Đặc biệt hơn đối với một bạn có điều kiện tốt và nổi bật, bộ phận tuyển dụng ở một số công ty sẽ tự động liên hệ để giới thiệu và mời gọi các bạn ứng tuyển vào công ty mình. Vì thế nên, đăng ký thông tin lên các hệ thống tuyển dụng như vậy cũng là một trong những cách để tiếp cận gần hơn với các nhà tuyển dụng.

Đáng lưu ý khi đăng ký thông tin trên các hệ thống tuyển dụng này, các bạn phải chọn đúng mục tuyển dụng là học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp (新卒) hoặc đã có kinh nghiệm đi làm có nguyện vọng đổi việc (中途採用hoặc là転職)để hệ thống có thể xử lý và cung cấp đúng thông tin đến các nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, với nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài đang có xu hướng tăng cao trong tình hình hiện nay, các hệ thống nêu trên còn cung cấp luôn cả hệ thống tuyển dụng giành riêng cho người nước ngoài như ở link sau → https://job.mynavi.jp/conts/2021/tok/global/

Tuyển dụng ở Nhật như thế nào???

Tùy thuộc vào từng công ty, quá trình tuyển dụng có thể ngắn hoặc dài nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức tuyển dụng thông qua vòng xét duyệt hồ sơ, 3 đợt phỏng vấn và 1 bài thi kiểm tra kỹ năng và kiến thức.

Ở vòng xét duyệt hồ sơ, ngoài sơ yếu lí lịch(CV), hầu hết các doanh nghiệp đều yêu cầu ứng viên cung cấp thêm thông tin và trả lời câu hỏi dưới bằng cách viết tay trên format quy định sẵn, còn gọi là entry-sheet (tiếng Nhật là エントリーシート). Nói về kinh nghiệm bản thân, ở vòng này J có lúc đã cảm thấy chán nãn và mệt mỏi vì mỗi công ty quy định mỗi mẫu riêng, các câu hỏi lại khác nhau, nội dung trả lời thường phải được điền hết một trang giấy A3, nên để hoàn thành 1 mẫu đơn thì tốn khá nhiều thời gian và công sức. Nhưng sau nay khi vào công ty làm việc, sau khi noi chuyện với bộ phận nhân sự, J mới nhận ra rằng là người bắt mình viết tay như vậy chính là để phần nào đánh giá về tính cách của ứng viên. Cũng giống như ở Việt Nam có câu thành ngữ “Nét chữ, nết người” vậy. Cũng chính vì thế nên để tránh sai nhiều lỗi không đáng có, J đã nhờ rất nhiều thầy cô cũng như bạn bè trong trường xem qua, sữa lỗi ngữ pháp cũng như nhận xét về nội dung để J có thể chỉnh sữa sao cho phù hợp với văn hóa Nhật Bản mà lại không đánh mất đi màu sắc của riêng mình.

Còn về bài thi kiểm tra kỹ năng và kiến thức, mỗi công ty cũng lại quy định mỗi bài thi khác nhau, có thể là đề thi do chính công ty tự soạn hoặc cũng có thể là các bài thi do một số công ty tuyển dụng cung cấp, có thể làm kiểm tra trực tuyến tại nhà hoặc tại các trung tâm quy định. Ở đây, các bạn nên lưu ý, các bài thi do một số công ty tuyển dụng cung cấp thường có rất nhiều dạng (SPI, GAB, C-GAB, Tamatebako (玉手箱),vv.) mà mỗi nhà tuyển sẽ lựa chọn và quy định mỗi dạng khác nhau nên các bạn cần lưu ý để ôn luyện đúng dạng nhé.

Về các vòng phỏng vấn, ở Nhật không có quy định rõ ràng phải mặc gì đi phỏng vấn nhưng người Nhật thường tránh làm nổi bật mình bằng bề ngoài nên các ứng viên thường chọn cho mình trang phục vest đen và giày đen không chi tiết. Cứ đến gần mùa tuyển dụng, các cửa hàng bán vest ở đây sẽ đồng loạt mở bán loại vest này nên cứ đến khoảng tháng 2 hằng năm các bạn có thể dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng.

J có lời khuyên gì cho các bạn đang và sẽ xin việc trong thời gian tới hay không???

J có 3 lời khuyên dành có các bạn đang có ý định xin việc ở Nhật nè!

Thứ nhất là ở Nhật có một dạng nghề gọi là nghề tổng hợp(総合職) chỉ tồn tại duy nhất ở Nhật Bản. Vì sao gọi là tổng hợp là vì nhà tuyển dụng muốn tuyển các ứng viên có kỹ năng cao, có khả năng làm ở tất cả các bộ phận, ban ngành trong công ty. Khác với việc tuyển dụng đúng chuyên ngành, các bạn được tuyển dụng vào vị trí tổng hợp này, mặc dù có thu nhập tốt nhưng sau khi vào công ty sẽ phải làm ở bất kỳ bộ phận nào mà công ty chỉ định(dĩ nhiên vẫn có một số công ty sắp xếp nhân sự dựa vào nguyện vọng của nhân viên), và có khả năng bị chuyển công tác liên tục theo chỉ định của công ty mà không có quyền phàn nàn. Nghe có vẻ khó nhưng thực ra ở Nhật chế độ đạo tạo tốt nên dù có bị chuyển đến đâu, các bạn cũng sẽ được đào tạo lại từ đầu. Ngoài ra, làm tổng hợp như thế nào mặc dù đòi hỏi cao nhưng các bạn có cơ hội học hỏi được nhiều kiến thức ở nhiều bộ phận trong công ty, và cũng như khả năng được tiến cử cũng cao hơn so với các nhân viên chuyên môn.  

Thứ hai đó là về việc chuẩn bị trước kỳ tuyển dụng. Mặc dù luật pháp quy định, các doanh nghiệp chỉ được bắt đầu tuyển dụng từ tháng 3 hằng năm nhưng lại không có bất kỳ luật nào quy định về các kỳ internship cả. Vì thế nên, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp để tuyển được nhân sự tốt trước các doanh nghiệp khác, người ta thường mở các kỳ intership ngắn hạn (ngắn nhất có thể là 1 ngày) để các bạn học sinh có thể tham quan và tìm hiểu ngay tại chính văn phòng công ty, và qua kỳ internship đó doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với các ứng viên tiềm năng để tiếp tục giữ liên lạc, mời gọi các bạn tham gia và kỳ tuyển dụng của công ty mình. Thế nên, J khuyên các bạn nên bắt đầu kỳ xin việc của mình sớm hơn khoảng từ 2-3 tháng nữa, để tìm hiểu sâu hơn về doanh nghiệp cũng như có cơ hội tham gia vào các kỳ intership nữa nha.

Và cuối cùng là Nhật Bản là một đất nước cực kỳ chú trọng về bằng cấp nên J khuyên các bạn nên tranh thủ thi thật nhiều các chứng chỉ như JLPT, TOEIC, vv trước thời điểm ứng tuyển để có thể làm đẹp thêm cho hồ sơ của mình, tạo ấn tượng với các nhà phỏng vấn để và dễ dàng vượt qua các vòng nhé!

 

Related Contents
Jenny

Jenny

Đến từ Huế. Theo học tại trường đại học quốc lập tại Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, làm việc tại Nhật trong ngành hàng không và du lịch. Về nước từ năm 2020 và thành lập công ty TNHH Tư vấn toàn cầu HD, chuyên xúc tiến và hỗ trợ giao lưu kinh tế thương mại giữa hai nước Việt-Nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.